Theo Gia đình Việt Nam, theo điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ năm 2024 của Tổng cục Thống kê, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đạt 74,7 tuổi. Trong đó, nữ giới có tuổi thọ trung bình 77,3 tuổi, cao hơn đáng kể so với nam giới là 72,3 tuổi.
Xu hướng này tương đồng với nhiều quốc gia trên thế giới khi tuổi thọ nam giới thường thấp hơn nữ giới.
Giai đoạn 2019-2024, tuổi thọ trung bình của nam giới Việt Nam tăng 1,3 tuổi, trong khi nữ giới chỉ tăng 1 tuổi. Dữ liệu cũng cho thấy sự chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn. Nam giới sống ở đô thị có tuổi thọ trung bình 74,3 tuổi, cao hơn 2,4 tuổi so với nam giới ở nông thôn (71,9 tuổi).
Tại khu vực Tây Nguyên, tuổi thọ nam giới thấp nhất cả nước, trung bình chỉ đạt 69,6 tuổi, thậm chí là vùng duy nhất có tuổi thọ nam dưới 70 tuổi. Trong đó, Lâm Đồng là tỉnh duy nhất trong vùng có tuổi thọ nam trên 70 tuổi, đạt 71,4 tuổi.
Trên phạm vi toàn quốc, Lai Châu là tỉnh có tuổi thọ trung bình của nam giới thấp nhất (62,9 tuổi), tiếp theo là Điện Biên (67 tuổi) và Kon Tum (67,1 tuổi). Ngược lại, khu vực Đông Nam Bộ có tuổi thọ nam giới cao nhất cả nước, đạt trung bình 73,9 tuổi. Trong đó, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương có tuổi thọ nam cao nhất, đạt 74,2 tuổi.
Nguyên nhân khiến tuổi thọ nam giới thấp hơn nữ giới
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ tử vong của nam giới luôn cao hơn nữ giới ở mọi nhóm tuổi. Đặc biệt, ở nhóm 1-4 tuổi, tỷ lệ tử vong ở nam cao hơn nữ tới 6 lần. Khi độ tuổi càng cao, sự chênh lệch này giảm dần và gần như cân bằng ở nhóm tuổi cao nhất.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng cách tuổi thọ giữa hai giới bắt đầu ngay từ khi sinh ra. Trẻ sơ sinh nam có nguy cơ tử vong cao hơn trẻ sơ sinh nữ do dễ sinh non hơn và có tỷ lệ tử vong cao hơn trong tuần đầu tiên sau sinh. Nguyên nhân có thể liên quan đến hệ miễn dịch kém phát triển và sự nhạy cảm với các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, nam giới cũng có nguy cơ mắc các rối loạn di truyền cao hơn do chỉ có một nhiễm sắc thể X.
Bên cạnh yếu tố sinh học, lối sống và môi trường cũng góp phần đáng kể vào sự chênh lệch tuổi thọ giữa hai giới. Nam giới có tỷ lệ tử vong do tai nạn, bạo lực và tư:tư cao hơn nữ giới.
Kết quả điều tra dân số năm 2024 cho thấy phần lớn các ca tử vong trong năm trước điều tra là do bệnh tật và tuổi già (chiếm 92,4%). Tuy nhiên, trong số các ca tử vong do tai nạn, tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ cao nhất (3,3%), cao hơn gấp đôi so với tai nạn lao động (1,3%). Đáng chú ý, nam giới có tỷ lệ tử vong do tai nạn cao gấp ba lần so với nữ giới (8,6% so với 2,8%).
Vùng Tây Nguyên có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông cao nhất (6,3%). Ngoài ra, tỷ lệ tử vong do tự tử ở nam giới cũng cao hơn nữ giới hơn hai lần (1,0% so với 0,4%). Tây Nguyên là khu vực có tỷ lệ tư:tư cao nhất cả nước (3,7%), trong khi Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ thấp nhất (0,5%).
Như vậy, sự chênh lệch về tuổi thọ giữa nam và nữ tại Việt Nam không chỉ xuất phát từ yếu tố sinh học mà còn liên quan đến điều kiện sống, môi trường và hành vi rủi ro của nam giới.