Ngày mẹ tôi còn trẻ khỏe,suốt 10 năm trời, bà lặn lội từ quê lên thành phố, vừa chăm cháu, vừa lo cơm nước cho vợ chồng anh trai tôi. Khi đó, tôi cũng có con nhỏ, vợ chồng tôi bận rộn đi làm nên từng ngỏ ý muốn mời mẹ sang giúp đỡ. Nhưng mẹ từ chối. Bà bảo:
– Con gái lấy chồng rồi, hãy nhờ nhà nội giúp đỡ. Mẹ phải lo cho cháu nội, sau này về già, anh chị con có trách nhiệm chăm sóc mẹ và hương khói cho tổ tiên.
Bố tôi mất sớm, mẹ luôn nghĩ rằng mình phải gắn bó với nhà anh cả vì đó là nơi tựa nương cuối đời. Bà hy vọng rằng tình cảm và công sức mình dành cho gia đình anh chị sẽ giúp bà có những năm tháng tuổi già an yên. Nhưng sự đời không như mơ, khi mẹ tôi 65 tuổi, sức khỏe bà bắt đầu suy yếu. Những cơn đau lưng, đau chân tay ập đến với mẹ mỗi khi trái gió trở trời . Vợ chồng anh trai lúc đầu còn đưa bà đi khám, nhưng dần dần bắt đầu khó chịu, nói bóng gió rằng cuộc sống thành phố đắt đỏ, không tiện chăm sóc người già.
Cuối cùng, họ tìm cách khéo léo để đưa bà về quê. Hôm mẹ khăn gói rời đi, tôi biết bà buồn lắm. Tôi cũng rất bức xúc với thái độ của anh chị, nhưng phận con gái đã đi lấy chồng, tôi không dám lên tiếng, sợ mang tiếng “lắm chuyện,” làm gia đình thêm mâu thuẫn.
Mẹ về quê sống một mình trong căn nhà nhỏ. Dù tuổi già sức yếu, bà vẫn đi làm cỏ thuê cho người ta để kiếm từng đồng mua gạo. Tôi vẫn đều đều gửi tiền về biếu mẹ, đó không phải số tiền lớn, chỉ đủ mẹ mua rau cỏ vì gia đình tôi còn con nhỏ, kinh tế cũng không mấy dư dả. Tôi dặn bà giữ gìn sức khỏe, nhưng bà luôn bảo:
– Con gái đi lấy chồng xa, lo thân mình còn chưa xong. Mẹ vẫn còn làm được, con cứ yên tâm.
Khoảng thời gian đó, tôi thường xuyên tranh thủ về quê thăm mẹ. Mỗi lần về, tôi lại thấy bà gầy hơn, đôi mắt trũng sâu, da nhăn nheo hơn trước. Thế nhưng, lúc nào mẹ cũng niềm nở đón tôi, chuẩn bị sẵn món rau với bát cà muối mà tôi thích. Những ngày ở quê, tôi cùng mẹ đi dọn vườn, hái rau, nghe bà kể chuyện làng xóm.
Những lúc ấy, tôi thấy rõ sự cô đơn trong ánh mắt mẹ. Mỗi khi nhắc đến anh chị, mẹ đều cười buồn:
– Cả năm mới về được vài ba ngày, rồi lại đi. Nhưng thôi, chúng nó bận rộn, mình già rồi, đâu có quyền đòi hỏi.
Tôi biết mẹ buồn, nhưng bà không bao giờ oán trách ai. Rồi một ngày, hàng xóm phát hiện mẹ nằm bất tỉnh trong căn nhà nhỏ, nhưng lúc họ phát hiện thì đã quá muộn. Mẹ ra đi trong cô đơn, không kịp nhìn thấy con cháu lần cuối. Khi nghe tin, tôi vội vã chạy về, lòng đau thắt từng khúc. Cứ nghĩ đến cảnh mẹ ra đi trong đói khát, không ai bên cạnh mà tôi chỉ biết tự trách mình.
Tang lễ diễn ra trong không khí trĩu nặng. Vợ chồng anh trai cũng về nhưng sự quan tâm của họ dường như chỉ là hình thức. Đến ngày thứ ba sau tang lễ, tôi bàng hoàng khi thấy anh lục tung căn nhà, tìm kiếm khắp nơi. Sau một hồi không thấy gì, anh quay sang tôi, mặt đầy nghi hoặc:
– Năm trước, thấy mẹ làm vất vả quá, vợ chồng anh lập cho bà cuốn sổ tiết kiệm 500 triệu để dưỡng già, vậy mà giờ đây không thấy cuốn sổ đâu. Em thường xuyên về quê, có bí mật gì mẹ hay tâm sự với con gái, chắc chắn em đang cầm số tiền đó. Đưa trả lại cho anh!
Tôi sững sờ. Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ nghe mẹ nói về khoản tiền lớn như vậy. Tôi cố gắng giải thích rằng mình còn chưa từng nghe đến hay nghe mẹ nhắc về sổ tiết kiệm. Nhưng anh trai không tin, vẫn khăng khăng buộc tội tôi:
– Em mà không trả số tiền đó, mảnh đất của bố mẹ sẽ thuộc về anh chị. Em không có quyền đòi hỏi gì nữa.
Tôi cay đắng. Khi còn sống, mẹ từng nói mảnh đất sẽ chia làm hai: một phần cho anh trai, phần còn lại cho tôi. Bà cũng dặn đi dặn lại rằng đất của tổ tiên không được bán. Nhưng giờ mẹ đã mất, di chúc chưa kịp lập, mọi lời nói đều vô nghĩa. Tôi đứng giữa căn nhà lạnh lẽo, vừa đau đớn vì mất mẹ, vừa bất lực trước lòng tham của anh trai.