Nuôi 4 người con ăn học thành tài, để rồi khi “đủ lông đủ cánh” không một ai đoái hoài bố mẹ già ở quê

Sau khi nằm viện một mình, tôi nhận ra: Tuổi già không cần dựa vào con cái là thoải mái nhất!

Tôi 75 tuổi, có 4 người con, 2 con trai, 2 con gái , khi các con còn nhỏ , tôi rất tự hào về 4 đứa con của mình nhưng khi chúng trưởng thành , cả 4 đứa đều khiến tôi thất vọng.

Vợ chồng tôi đều từng làm việc ở một cơ quan, điều kiện gia đình tương đối tốt, chúng tôi cũng đã dạy dỗ 4 đứa con rất tốt. Các con đều có học thức cao, công ăn việc làm ổn định. 3 đứa lên tỉnh làm ăn còn cô con gái lớn nhất cũng lấy chồng sớm, không mấy khi về thăm chúng tôi.

Từ năm tôi tròn 50, căn nhà chỉ có 2 vợ chồng tôi lủi thủi ở với nhau. Cả 4 người con của tôi đều ít khi về nhà. Mỗi dịp Tết, nếu không phải là con trai thì là con gái không về. Ngôi nhà từng rộn ràng tiếng nói cười dần trở nên trống rỗng. Trừ khi vợ chồng già chúng tôi gọi điện thoại từng người và hẹn về trước cả tháng, còn không thì chẳng thể mong mỏi các con sẽ tự về nhà đều.

Vợ chồng tôi đều không phải chăm cháu. Các con của tôi kết hôn và sinh con khá sớm, lúc ấy chúng tôi vẫn còn công việc ở cơ quan nên không thể đến chăm cháu. Chúng tôi cũng dành ra một số tiền mua nhà cho 2 con trai.

Không biết có phải là không giúp đỡ con cái chăm cháu hay do các con bận bịu, càng ngày càng ít quan tâm đến chúng tôi. 

Khi vợ chồng tôi bị bệnh và phải nằm viện, cho dù bệnh nặng hay nhẹ vẫn là chúng tôi tự lo liệu mọi thứ. Việc mong đợi vào con cái giống như mong đợi trúng số độc đắc, tùy thuộc vào may rủi và tâm trạng của chúng. May mắn chúng tôi không phải lo lắng nhiều về tiền bạc vì cả 2 đều có lương hưu. 

10 năm trước, chồng tôi qua đời vì bệnh nặng, giờ chỉ còn tôi một mình. Con cái cũng không ai ngỏ ý muốn đón tôi về sống chung. Tôi thấy cũng không sao vì trước giờ vẫn là 2 ông bà già tự chăm sóc nhau qua ngày. 

Nhưng già rồi, bệnh tật, ốm đau là điều khó tránh. Từ năm 70 tuổi, tôi bắt đầu có nhiều bệnh người già, nào là huyết áp, bệnh tim… Lúc đó, các con vẫn còn quan tâm đến tôi nên thỉnh thoảng vẫn về thăm.

Năm ngoái, tôi cần nhập viện để theo dõi sức khỏe vì huyết áp cao. Tôi nghĩ đến việc nhờ các con đến chăm sóc, nhưng câu trả lời đều là KHÔNG. Không ai trong số chúng nó có thể đến được. 2 đứa con trai thì bảo phải đi làm không xin nghỉ phép được, 2 cô con dâu người nói phải chăm con, người lại nói đang cảm cúm. Tôi đặt hy vọng duy nhất vào con gái út thì nó nói con bận và nhờ chị cả – người đang không có việc làm nên tạm ở nhà – đến chăm sóc tôi.

Ngay từ đầu tôi cũng không kỳ vọng gì, vì trong 4 đứa, con gái lớn là đứa ở gần nhất nhưng lại ít đến thăm bố mẹ nhất. Nó chỉ liên lạc với tôi khi cần tiền hoặc cần giúp đỡ. Suy nghĩ lại một hồi, cũng không muốn làm phiền các con nên thôi quyết định tự nằm viện một mình. Dù có bắt chúng nó phải chăm sóc mình thì cũng chỉ làm bầu không khí thêm khó chịu. 

Trong phòng bệnh, có một người phụ nữ tầm 50 tuổi, ban ngày có 2 cô con gái thay phiên nhau chăm sóc, ban đêm có con trai và con dâu. Điều này khiến tôi ghen tị vô cùng.

Sau khi xuất viện, tôi quyết định tự lo liệu nốt phần đời còn lại, không trông mong được con cái chăm sóc nữa. Càng có nhiều kỳ vọng, tôi sẽ chỉ càng buồn hơn. Với số tiền tiết kiệm, lương hưu và tiền dư nếu bán nhà, dù chọn sống trong viện dưỡng lão hay thuê người chăm sóc, tôi đều có thể sống thoải mái.

Điều kỳ lạ là gần một năm kể từ khi tôi không nhắc đến chuyện bắt chúng nó chăm lo, đón tôi về ở cùng nữa thì chúng nó lại bắt đầu lo lắng cho tôi. Tết vừa rồi, khi tôi thông báo rằng tôi dự định bán nhà và vào viện dưỡng lão, chúng nó lại càng tích cực hỏi thăm. Cả 4 đứa thỉnh thoảng sẽ chủ động gọi điện cho tôi rồi còn hẹn khi nào nghỉ lễ sẽ thăm và thắp hương cho bố.

Thế nhưng, chỉ hỏi thăm sức khỏe được vài câu, chúng nó lại đánh tiếng, “khều” nhẹ về việc tôi định phân chia tài sản thế nào. Tôi đã nhiều lần lảng tránh không nói đến những vấn đề đó nhưng hình như chúng chẳng biết ý. 

Cuối cùng, tôi quyết định sẽ không giữ lại tài sản để làm của hồi môn hay chia cho con cái nữa. Sau tất cả những gì đã trải qua, tôi nhận ra rằng việc giữ tiền bạc chỉ khiến các con quan tâm đến tôi vì lợi ích cá nhân. Tôi sẽ bán căn nhà này và mang toàn bộ tài sản quyên góp từ thiện, chỉ giữ lại một khoản nhỏ để bản thân trang trải cuộc sống trong viện dưỡng lão, vậy là đủ. 

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/nuoi-4-nguoi-con-an-hoc-thanh-tai-de-roi-khi-du-long-du-canh-khong-mot-ai-doai-hoai-bo-me-gia-o-que-d257736.html