Ngày 19/2, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 51 tuổi đến khám do mất kinh 5 tháng và đau bụng hạ vị trong 1 tháng gần đây. Kết quả chẩn đoán xác định bệnh nhân bị chửa trứng và cần phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung.
Bệnh nhân L.T.L. (51 tuổi), trú tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, đã được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Kết quả cho thấy:
Định lượng bhCG: 346.798 mUI/mL
Siêu âm: Buồng tử cung có khối cấu trúc hỗn hợp âm kích thước khoảng 109 x 61mm, bên trong chứa nhiều hốc dịch nhỏ.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị chửa trứng, nghi ngờ Choriocarcinoma (ung thư nguyên bào nuôi), kèm theo xơ gan và viêm gan B, C, và chỉ định phẫu thuật cắt tử cung toàn bộ.
Ca phẫu thuật do bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Mạnh, Phó khoa Phụ sản Bệnh viện Bãi Cháy, cùng ê-kíp thực hiện. Bệnh nhân được cắt bỏ hoàn toàn tử cung (bao gồm cả cổ tử cung), hai vòi trứng và hai buồng trứng. Sau 2 ngày phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Khối chửa trứng được các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ nhìn như một “bóc trứng” lớn. Ảnh BVCC
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh, chửa trứng là một dạng thai nghén bất thường, trong đó toàn bộ hoặc một phần gai rau thoái hóa, tạo thành các túi chứa dịch có hình dạng giống chùm nho. Có hai loại chửa trứng chính:
Thai trứng toàn phần: Xảy ra khi trứng không chứa vật chất di truyền từ mẹ, chỉ có 23 nhiễm sắc thể từ cha. Phôi thai không thể phát triển.
Thai trứng bán phần: Do trứng được thụ tinh bởi hai tinh trùng, dẫn đến 69 nhiễm sắc thể thay vì 46 như bình thường. Phôi có thể hình thành nhưng không phát triển bình thường và không thể sống sót.
Khoảng 80% trường hợp chửa trứng lành tính và diễn tiến tốt sau khi hút nạo. Tuy nhiên, nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như băng huyết, thai trứng xâm lấn thủng tử cung hoặc thậm chí ung thư nguyên bào nuôi (chiếm 10 – 30% ca chửa trứng).
Hiện nay, nguyên nhân chính xác của chửa trứng vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh, bao gồm:
Tuổi tác: Phụ nữ trên 40 tuổi có nguy cơ cao hơn gấp 5,2 lần so với phụ nữ từ 21 – 35 tuổi.
Thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu đạm và vitamin A.
Yếu tố miễn dịch và di truyền.
Dấu Hiệu Nhận Biết Chửa Trứng
Giai đoạn đầu, chửa trứng có thể giống với một thai kỳ bình thường, khiến nhiều phụ nữ chủ quan. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cần lưu ý:
✔ Rong huyết: Máu âm đạo màu đen, ra ít một nhưng kéo dài, thường xuất hiện sau khi trễ kinh vài tuần.
✔ Chậm kinh, rối loạn kinh nguyệt.
✔ Nghén nặng: Nôn nhiều, mệt mỏi, da xanh xao do thiếu máu.
✔ Vàng da, nước tiểu sẫm màu.
✔ Trường hợp nặng: Nhịp tim nhanh, tay run, da ẩm do cường giáp.
Để phát hiện chửa trứng, phụ nữ mang thai nên siêu âm thai định kỳ từ 8 – 14 tuần. Chẩn đoán có thể được xác nhận qua siêu âm đầu dò âm đạo, xét nghiệm máu hoặc các kỹ thuật hình ảnh như X-quang, CT hoặc MRI nếu cần.
Khi có dấu hiệu bất thường, chị em phụ nữ cần đi khám ngay để phát hiện bệnh sớm và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.