Mẹ trẻ vội đi vệ sinh, để con gái 5 tuổi trông cặp sinh đôi mới đầy tháng và bi kịch đã xảy ra ngay sau đó

Theo thời gian, sinh con không chỉ là "sinh: mà còn phải "nuôi tốt, dạy tốt".

Mai Tử – người phụ nữ ngoài 30 tuổi sống cùng chồng và con gái nhỏ tại Chiết Giang (Trung Quốc) – từng có một cuộc sống bình dị, tuy không dư dả nhưng đong đầy ấm áp. Nhưng tất cả bỗng chốc thay đổi khi mẹ chồng cô liên tục thúc ép sinh thêm con.

Lý do mẹ chồng đưa ra nghe có vẻ chính đáng: “Phải có con trai để nối dõi.” Bà vừa khuyên nhủ ngọt nhạt, vừa ngấm ngầm gây áp lực, lại hứa sẽ hỗ trợ trông cháu và giúp tiền mua nhà. Trước những lời lẽ ấy, Mai Tử – dù ban đầu từ chối – cũng dần xuôi lòng.

Rồi cô mang thai đôi. Hai bé trai.

Cả nhà vỡ òa trong niềm hân hoan. Mẹ chồng cô thậm chí rơi nước mắt khi đón cháu trai đầu lòng. Mỗi ngày đều thấy bà ôm cháu vào lòng, không rời nửa bước. Nhưng niềm vui ấy chỉ thoáng qua như một cơn gió. Vài tuần sau, bà viện cớ mệt rồi lặng lẽ xách hành lý về quê.

Khi vừa hết cữ, Mai Tử chính thức bước vào giai đoạn làm “siêu nhân” – một mình chăm ba đứa trẻ. Người chồng tuy vẫn đi làm để lo kinh tế nhưng hoàn toàn không thể phụ giúp chuyện nhà.

Một ngày, khi quá buồn vệ sinh, Mai Tử buộc phải nhờ cô con gái 5 tuổi trông hai em sơ sinh trong chốc lát. Nào ngờ, chỉ vài phút ấy lại dẫn đến sự cố khiến cô suýt gục ngã.

Tiếng khóc thất thanh vang lên. Cô chạy vội vào phòng thì thấy một bé sơ sinh đang nằm dưới sàn, đầu sưng tấy đỏ. Cô bé 5 tuổi vừa khóc vừa run rẩy:

“Em khóc, con muốn bế em đi tìm mẹ, nhưng con không bế nổi…”

May mắn thay, sau khi đi viện kiểm tra, bé không bị tổn thương nghiêm trọng. Nhưng điều khiến Mai Tử đau hơn cả là thái độ của mẹ chồng. Không một lời hỏi han, bà lập tức mắng xối xả:

“Cô làm mẹ kiểu gì vậy? Có mỗi mấy đứa nhỏ mà không trông nổi? Nếu cháu tôi có mệnh hệ gì, cô gánh nổi không?”

Mai Tử không đáp. Cô chỉ im lặng, nước mắt tràn mi, tự giễu mình:

“Lỗi tại tôi… vì đã tin vào lời hứa của mấy người.”

Một mình nuôi ba con: Làm sao để người mẹ không kiệt sức?

Chăm sóc nhiều con cùng lúc không chỉ là gánh nặng thể chất mà còn bào mòn tinh thần. Dưới đây là những cách giúp người mẹ phần nào giảm tải:

1. Lập lịch trình rõ ràng

Thiết lập khung giờ cho việc ăn, ngủ, chơi của từng bé giúp giảm hỗn loạn, tạo thói quen ổn định cho trẻ. Nếu con lớn đủ hiểu chuyện, hãy giao những việc nhỏ như lấy tã, cầm bình sữa – vừa giúp bé thấy mình hữu ích, vừa giảm gánh nặng cho mẹ.

2. Phòng ngừa rủi ro từ sớm

An toàn là ưu tiên hàng đầu. Hãy dùng thanh chắn giường, rào chặn lối nguy hiểm. Những vật nhỏ, thuốc, hóa chất phải được để xa tầm tay trẻ. Nếu phải rời đi chốc lát, hãy đặt trẻ vào nơi an toàn hoặc dùng camera giám sát.

3. Nuôi dưỡng cảm xúc từng đứa trẻ

Đừng để con lớn cảm thấy bị bỏ rơi. Mỗi ngày, hãy dành ít phút chơi hoặc kể chuyện cùng con để nuôi dưỡng sự kết nối. Còn với em nhỏ, những cái ôm, vuốt ve là ngôn ngữ yêu thương không lời.

4. Tìm kiếm sự hỗ trợ, đừng gồng gánh một mình

Không mẹ nào là siêu nhân. Nếu có thể nhờ người thân trông giúp vài tiếng, hãy làm điều đó. Hoặc thuê người hỗ trợ nếu có điều kiện. Việc tham gia hội nhóm mẹ bỉm cũng giúp chia sẻ kinh nghiệm và tìm được sự đồng cảm.

5. Tận dụng công cụ hỗ trợ

Các thiết bị như camera trẻ em, máy ru ngủ, máy pha sữa tự động… đều giúp giảm khối lượng công việc. Một số mẹ còn chọn cách “chăm cùng lúc” – như cho hai bé ăn hoặc tắm cùng lúc để tiết kiệm thời gian.

6. Đừng quên chính mình

Dù có bận rộn đến đâu, mẹ cũng cần thời gian nghỉ ngơi. Dành 30 phút mỗi ngày để đọc sách, uống trà, nghe nhạc hoặc đơn giản là nhắm mắt thở sâu… có thể giúp mẹ hồi phục tinh thần.

Nếu thấy bản thân đã kiệt sức, đừng cố gồng. Đôi khi, để ai đó trông con giúp và tự cho mình vài phút thảnh thơi – chính là cách yêu con lành mạnh nhất.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/me-tre-voi-di-ve-sinh-de-con-gai-5-tuoi-trong-cap-sinh-doi-moi-day-thang-va-bi-kich-da-xay-ra-ngay-sau-do-d304276.html