Mâm cơm ngày giỗ bố và hành động bất ngờ của mẹ chồng khiến tôi nghẹn ngào

Tết với mọi nhà thường là niềm vui, là khoảng thời gian sum vầy, rộn ràng tiếng cười. Nhưng với gia đình chồng tôi, Tết lại gợi nhắc một nỗi buồn khó nguôi. 

Bố chồng tôi mất ngay ngày cận Tết năm ngoái do một cơn đột quỵ. Nhiều khi thấy cả một con người bằng xương bằng thịt mà như ngọn đèn trước gió vậy, có thể vụt sáng và tắt lịm bất cứ lúc nào. Dù ông ra đi đã gần một năm, nhưng cảm giác đau đớn vẫn len lỏi trong từng khoảnh khắc. Năm nay, giỗ đầu của bố chồng trùng với những ngày chuẩn bị Tết, khiến không khí trong nhà vừa buồn, vừa ngổn ngang cảm xúc.

Tôi lấy chồng được 5 năm, nhà chồng cách nhà tôi hơn 100km. Kể từ khi kết hôn, chưa một năm nào tôi được ăn Tết ở nhà ngoại. Sớm nhất cũng phải mùng 2 tôi mới về thăm bố mẹ đẻ. Dù mẹ chồng tôi không bao giờ khó dễ hay yêu cầu khắt khe, bà thuộc thế hệ trước nên mọi lễ nghi, khuôn phép đều phải chu toàn. Tôi biết thời bà làm dâu còn khổ hơn gấp bội, vất vả, thiệt thòi đủ đường. Mỗi dịp lễ Tết, nhìn bà bận rộn lo toan mà không hề than thở, tôi lại càng thương bà nhiều hơn.

Hôm vừa rồi, sau khi xong cúng giỗ bố chồng, mẹ chồng gọi cả nhà lại nói chuyện. Tôi không nghĩ buổi trò chuyện ấy lại để lại trong tôi nhiều cảm xúc đến thế.

Bà ngồi giữa mọi người, giọng trầm xuống, đôi mắt ươn ướt:

– Các con à, từ ngày bố mất, mẹ mới ngẫm ra được nhiều điều. Đời người, nhìn thì dài, nhưng chẳng ai biết trước được tương lai ra sao. Như bố các con, khỏe mạnh thế mà cũng ra đi chỉ trong vài phút. Sự sống và cái chết mong manh quá. Vậy nên, bây giờ làm được gì cho nhau, hãy cố gắng mà làm, yêu thương và quan tâm nhau thật nhiều. Để một ngày nào đó, dù có chuyện gì xảy ra, cũng không phải hối tiếc.

Bà vừa nói vừa lấy tay quệt nước mắt, ánh mắt đầy trăn trở nhìn về phía tôi và chồng. Rồi bà nói tiếp, như một quyết định bất ngờ:

– Mẹ quyết định rồi, năm nay hai đứa về bên ngoại ăn Tết đi. Ông bà bên ấy dạo này cũng hay đau ốm, các con về để ông bà mừng. Chẳng có liều thuốc bổ nào quý giá bằng tình cảm gia đình đâu. Mẹ ở nhà còn có anh chị, đi lại không thiếu người. Các con về sớm đi, mùng 4 hãy lên đây cũng được.

Tôi nghe mà sững sờ. Mẹ chồng tôi vốn rất sợ cô đơn, đặc biệt từ khi bố chồng mất, tôi luôn nghĩ bà cần con cháu quây quần bên mình hơn bao giờ hết. Nhưng nay, bà lại chủ động đề nghị vợ chồng tôi về ăn Tết bên ngoại.

Tôi ngập ngừng, muốn từ chối, nhưng mẹ chồng trêu ngay:

– Tết năm nay là tôi “đuổi” về ngoại đấy nhé! Không phải mua gì cho tôi đâu, ăn lắm béo lên lại phải tập thể dục!

Cả nhà bật cười vui vẻ, nhưng tôi thì không kìm được nước mắt. Sự quan tâm và tâm lý của mẹ chồng khiến tôi quá đỗi xúc động. Những năm trước, tôi từng mong có một cái Tết được về ngoại sum vầy, nhưng từ khi bố chồng mất, tôi đã gạt đi ý nghĩ ấy, nghĩ rằng điều đó sẽ không bao giờ có cơ hội xảy ra nữa. Vậy mà nay, bà lại là người mở lời.

Tết năm nay, tôi không chỉ được về thăm bố mẹ mình, mà còn thêm thấm thía tình cảm của mẹ chồng. Tôi hiểu rằng, bà không chỉ là người mẹ chồng nghiêm khắc, giữ lễ nghĩa, mà còn là người rất thấu tình đạt lý. Bà không muốn bất kỳ ai trong gia đình phải hối tiếc vì những điều chưa làm được cho người thân yêu.

Câu chuyện ấy, tuy đơn giản, nhưng với tôi là một kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình làm dâu. Nó nhắc nhở tôi rằng tình cảm gia đình luôn vượt lên trên những lễ nghi và phong tục truyền thống. Từ mẹ chồng, tôi học được một bài học quý giá về sự bao dung và yêu thương. Và chắc chắn, cái Tết năm nay, với tôi, sẽ là một cái Tết thật đặc biệt.

Xưa nay mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu vốn được cho là rất nhiều vấn đề khó dung hòa. Một bàn tay không tạo được nên tiếng vỗ nên tình cảm mẹ chồng – nàng dâu đi lên hay đi xuống phụ thuộc cả vào thái độ, sự vun vén của cả hai người.

Sẽ có những mất mát, những nỗi đau lớn mà khi trải qua người ta mới biết trân quý những gì mình đang có. Họ lắng lại, suy nghĩ và học cách yêu thương, quan tâm nhau nhiều hơn.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/mam-com-ngay-gio-bo-va-hanh-dong-bat-ngo-cua-me-chong-khien-toi-nghen-ngao-d255856.html