Khi con nói “Mẹ ơi, con làm mất tiền rồi!” – Hai cách dạy con, tạo ra tương lai khác biệt của 2 đứa trẻ

Trẻ em phạm lỗi là điều không thể tránh khỏi, nhưng phản ứng của cha mẹ mới là yếu tố quan trọng định hình tương lai của con. Câu chuyện về Lili và Yuanyuan ở Trung Quốc dưới đây là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Cùng đối mặt với tình huống làm mất tiền, nhưng hai người mẹ có cách xử lý khác nhau, dẫn đến 20 năm sau, hai đứa trẻ trưởng thành với tính cách hoàn toàn đối lập.

Năm 8 tuổi, Lili vô tình làm mất 1 tệ (khoảng 3,5 ngàn đồng) mẹ đưa để mua vở. Cô bé sợ hãi, rụt rè thú nhận với mẹ. Nhưng thay vì an ủi, mẹ cô giận dữ quát lớn:

“Mất tiền à? Sao con không mất luôn đi?”

“Chỉ 1 tệ cũng giữ không nổi, sau này làm được việc gì?”

 

Không chỉ mắng mỏ, mẹ cô còn dùng roi đánh vào chân con gái. Lili đau đớn nhưng cố kìm nước mắt, không dám khóc, vì mẹ lại quát:

“Khóc thì có lấy lại được tiền không?”

Từ đó, cô bé không dám nhận lỗi nữa. Khi làm mất đồ, cô nói dối. Khi mắc lỗi, cô tìm cách che giấu.

Lớn lên, trong công việc, Lili mắc một sai lầm nhỏ. Nếu thừa nhận ngay, vấn đề có thể được giải quyết đơn giản. Nhưng vì sợ bị trách mắng, cô giấu nhẹm sự thật. Cuối cùng, hậu quả trở nên nghiêm trọng hơn, cô bị sếp khiển trách, suýt mất việc.

Câu chuyện thứ hai: Khi sự thấu hiểu giúp con trưởng thành

Yuanyuan cũng từng làm mất tiền khi còn nhỏ. Nhưng phản ứng của mẹ cô hoàn toàn khác.

Khi Yuanyuan lo lắng nói: “Mẹ ơi, con làm mất tiền rồi…”, mẹ cô nhẹ nhàng hỏi:

“Con bị mất thế nào?”

Yuanyuan lí nhí đáp: “Chắc con để trong túi, đi nhanh quá nên bị rơi.”

Mẹ cô gật đầu: “Không sao, tiền mất có thể kiếm lại. Quan trọng là con học được gì từ chuyện này. Theo con, lần sau nên để tiền ở đâu an toàn hơn?”

Cô bé suy nghĩ rồi nói: “Con sẽ để vào ngăn nhỏ của balo và kéo khóa lại.”

Mẹ mỉm cười: “Đúng rồi, lần sau hãy làm vậy nhé!”

Sáng hôm sau, mẹ vẫn đưa tiền cho cô như bình thường và không nhắc lại chuyện cũ.

Nhờ cách dạy này, Yuanyuan không sợ mắc lỗi. Thay vào đó, cô học cách suy nghĩ và tìm giải pháp khi gặp vấn đề.

Khi đi làm, nếu mắc lỗi, cô thẳng thắn nhận trách nhiệm:

“Sếp ơi, đây là lỗi của em. Lần sau em sẽ cẩn thận hơn.”

Không những không bị trách mắng, cô còn nhận được sự tin tưởng, thậm chí được đề bạt thăng chức.

Yuanyuan chia sẻ: “Mẹ dạy tôi rằng sai lầm không đáng sợ, quan trọng là mình biết sửa đổi. Câu nói của mẹ đã thay đổi cả cuộc đời tôi.”

Lời nói của cha mẹ có thể định hình tính cách con suốt đời

Một đứa trẻ bị la mắng liên tục sẽ lớn lên trong sợ hãi, không dám đối mặt với lỗi lầm.

Một đứa trẻ được dạy cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề sẽ tự tin, bản lĩnh và sẵn sàng đối mặt với khó khăn.

Những đứa trẻ thường xuyên bị trách mắng sẽ sống trong lo âu

Trẻ em có bản năng sợ đau, sợ bị chê trách. Nếu mỗi lần phạm lỗi đều bị quát mắng, chúng sẽ học cách che giấu thay vì tìm cách sửa sai.

Viết sai bài tập, không dám tẩy xóa mà đục lỗ làm mất chữ.

Làm vỡ chén, vội vứt đi để không ai biết.

Thi điểm kém, tự chỉnh sửa điểm số trước khi đưa cho cha mẹ.

Lâu dần, trẻ mất đi sự tự tin, lớn lên sợ sệt, không dám nhận lỗi, dễ gặp thất bại trong công việc và cuộc sống.

Những đứa trẻ biết cách giải quyết vấn đề sẽ có tương lai tốt hơn

Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao một số đứa trẻ rất thông minh, làm gì cũng giỏi, còn một số khác lại nhút nhát, lóng ngóng?

Thực tế, điều này không chỉ do bẩm sinh, mà phần lớn phụ thuộc vào cách cha mẹ rèn luyện tư duy cho con.

Khi con than phiền: “Mẹ ơi, dây giày con bị tuột.”

“Sao con vụng về thế, ngay cả dây giày cũng không buộc nổi?”

“Con thử nghĩ xem, làm sao để buộc chắc hơn?”

Khi con nói: “Mẹ ơi, con không làm được bài này.”

“Sao con dốt thế, bài dễ vậy mà không biết làm?”

“Con thử suy nghĩ theo cách khác xem nào?”

Những đứa trẻ bị la mắng sẽ sợ hãi, lười suy nghĩ, dễ bỏ cuộc. Ngược lại, trẻ được khuyến khích tư duy sẽ chủ động tìm giải pháp, ngày càng thông minh hơn.

Làm sao để nuôi dạy một đứa trẻ tự tin, bản lĩnh?

Khi con phạm lỗi, đừng vội trách mắng. Hãy hỏi: “Con nghĩ vì sao chuyện này xảy ra?”

Thay vì chê trách, hãy khuyến khích con tìm giải pháp: “Lần sau con sẽ làm thế nào để tránh lặp lại?”

Nếu lỗi không nghiêm trọng, hãy cho con cơ hội sửa sai thay vì trừng phạt ngay lập tức.

Dạy con rằng: “Sai lầm không đáng sợ, quan trọng là con học được gì từ đó.”

Một câu nói của cha mẹ có thể thay đổi cả cuộc đời con cái.

Vậy khi con bạn nói “Mẹ ơi, con làm mất tiền rồi”, bạn sẽ phản ứng thế nào?

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/khi-con-noi-me-oi-con-lam-mat-tien-roi-hai-cach-day-con-tao-ra-tuong-lai-khac-biet-cua-2-dua-tre-d273776.html