Công an Bắc Ninh mới đây đã triệt xóa đường dây lừa đảo trên mạng xuyên biên giới với thủ đoạn giả danh công an, điện lực, thuế, giáo dục, bắt giữ gần 60 đối tượng.
Trong đó, công an xác định có 5 đối tượng chính gồm: Nguyễn Văn Mạnh, ở tỉnh Quảng Ninh; Đỗ Văn Nghĩa, ở tỉnh Bắc Giang; Đinh Như Quỳnh, ở tỉnh Phú Thọ; Nguyễn Đức Toàn, ở TP Hải Phòng và Phạm Thị Huyền Trang, ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.
Chân dung Phạm Thị Huyền Trang – Công an Bắc Ninh
Trong đó Phạm Thị Huyền Trang, 26 tuổi là đối tượng quản lý cấp cao, có nhiệm vụ xây dựng kịch bản lừa đảo, đào tạo, huấn luyện các đối tượng cấp dưới.
Phạm Thị Huyền Trang là một cô gái trẻ có ngoại hình ưa nhìn, được nhận xét là thông minh, ăn nói lưu loát. Đối tượng tốt nghiệp một trường đại học Hà Nội, thông thạo tiếng Trung Quốc, là quản lý, đồng thời là phiên dịch cho đối tượng cầm đầu và các đối tượng nhân viên người Việt Nam.
Đối tượng Phạm Thị Huyền Trang, quản lý của công ty lừa đảo ở Campuchia kể lại trên VTV: “Sau khi vào công ty thì ông chủ thấy cách diễn đạt của mình ổn. Ông chủ viết lại văn theo ý của ông chủ, thì mình dịch cho sát ý… Kịch bản có nhiều chi tiết phù hợp với tâm lý của người dân”.
Từ trái qua phải: Phạm Thị Huyền Trang, Nguyễn Văn Mạnh, Đỗ Văn Nghĩa – Ảnh: Công an tỉnh Bắc Ninh
Nói về thủ đoạn lừa đảo, Trang khai nhận: “Ai cũng sẽ có một điểm yếu riêng, đối với phụ huynh học sinh người ta quan tâm đến con cái. Đối với người cần sử dụng giấy tờ quan tâm tới giấy tờ”.
Nắm bắt những thủ tục hành chính mà cơ quan nhà nước đang triển khai, chẳng hạn như thủ tục làm thẻ căn cước công dân gắn chip cho trẻ em… Trang đã vẽ ra hoàng loạt kịch bản lừa đảo để kết hợp cùng các đối tượng sẽ tiến hành gọi điện tiếp cận nạn nhân dựa trên danh bạ có sẵn.
Với vị trí quản lý cấp cao, Phạm Thị Huyền Trang nhận mức lương 200 triệu đồng/ tháng.
Còn đối tượng Nguyễn Đức Toàn cũng khai nếu tháng nào lừa được 100 triệu đồng thì được 2,5%. “Số đỏ lương có thể 60-100 triệu”, Toàn nói trong phóng sự của VTV.
Nguyễn Văn Mạnh làm nhiệm vụ chấm công, sửa chữa máy móc cho các nhân viên thì mức lương tính theo doanh thu, hưởng 1%.
Hơn 300 bị hại ở Bắc Ninh bị lừa trên 31 tỷ đồng
Cơ quan điều tra xác định, nhóm đối tượng này hoạt động tại khu vực Tam Thái Tử, thành phố Bà Vẹt, tỉnh Svay Riêng, Campuchia.
Hàng ngày, với thủ đoạn giả danh Công an cấp phường, Công an cấp huyện, cán bộ ngành thuế, ngành điện, ngành giáo dục, bọn chúng gọi điện thoại yêu cầu bị hại cập nhật thông tin căn cước công dân, nộp hồ sơ nhập học trực tuyến, khám sức khỏe, kê khai thuế,…sau đó chiếm quyền sử dụng điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản Ngân hàng của bị hại.
Thủ đoạn của đường dây này chia làm 3 nhóm: Cào 1, Cào 2, Cào 3 do 5 đối tượng chủ chốt điều hành và Phạm Thị Huyền Trang có nhiệm vụ xây dựng kịch bản lừa đảo, đào tạo, huấn luyện các Cào 1, Cào 2, Cào 3.
Thông tin trên ANTĐ cho hay, đối tượng Đỗ Văn Nghĩa là trợ thủ đắc lực của “ông chủ” người nước ngoài khai về thủ đoạn cụ thể.
Trong đó, Cào 1 đóng giả cán bộ Công an phường gọi điện thoại cho bị hại thông báo cho bị hại các thông tin liên quan đến mã định danh cá nhân, thủ tục khai báo làm căn cước công dân, đồng bộ dữ liệu căn cước công dân, dữ liệu xe máy, ô tô… để yêu cầu bị hại liên hệ với cán bộ Công an cấp quận, huyện là đối tượng Cào 2 để được hướng dẫn làm thủ tục tiếp theo.
Lúc này, Cào 2 sẽ hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục liên quan đến căn cước công dân qua ứng dụng hành chính công online. Khi bị hại tin tưởng, đối tượng hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android truy cập các đường link mạo danh website của Nhà nước để cài đặt các ứng dụng mạo danh nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại của bị hại.
Khi bị hại đã cài đặt ứng dụng này, Cào 2 phối hợp với Cào 3 để rút tiền trong tài khoản ngân hàng của bị hại. Lúc này, Cào 3 sử dụng máy vi tính truy cập điện thoại của bị hại đã bị chiếm quyền, điều khiển để đăng nhập các ứng dụng ngân hàng của bị hại nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của bị hại. Khi ứng dụng ngân hàng yêu cầu xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt, vân tay, Cào 3 phối hợp với Cào 2 lấy lý do phù hợp để yêu cầu bị hại thực hiện việc xác thực sinh trắc học trên chính điện thoại của bị hại.
Bất ngờ mức lương của Phạm Thị Huyền Trang, quản lý cao cấp trong đường dây lừa đảo 1.000 tỷ đồng-3Cơ quan chức năng làm việc với các đối tượng liên quan – Ảnh: VTV
Với thủ đoạn đó, bước đầu Cơ quan Công an xác định từ tháng 5/2024 đến nay, các đối tượng đã chiếm đoạt gần 1000 tỷ đồng của hơn 13 nghìn bị hại trên cả nước. Trong đó có hơn 300 bị hại ở Bắc Ninh với số tiền chiếm đoạt trên 31 tỷ đồng.
Để triệt phá thành công băng nhóm lừa đảo này, Ban chuyên án đã triển khai 43 tổ công tác tại cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh và 3 sân bay để bắt giữ các đối tượng.
Khi vừa hạ cánh xuống sân bay Nội Bài để về quê ăn Tết sau một năm lừa đảo, các đối tượng này đã bị các cán bộ trinh sát bắt giữ.
Bước đầu, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh đã làm rõ, xác định có 42 đối tượng đủ căn cứ để khởi tố bị can, trong đó ra quyết định tạm giữ hình sự 38 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tiếp tục điều tra mở rộng vụ án về các hành vi có dấu hiệu của tội: Rửa tiền và Tổ chức cho người khác trốn, ở lại nước ngoài trái phép và truy bắt các đối tượng liên quan.