Tiến sĩ tâm lý học Quan Mỹ Lâm (ĐH Lâm nghiệp) nhận thấy rằng hầu hết các trục trặc của hôn nhân đều có khắc phục thông qua giáo dục tiền hôn nhân. Biết được 7 giai đoạn phát triển của hôn nhân, hình thành những kỳ vọng hợp lý, bạn sẽ dễ hơn trong việc gặt hái hạnh phúc.
Giai đoạn 1: Trăng mật
Dù có sống thử trước hôn nhân hay không, các cặp đôi đều trải nghiệm sự ngọt ngào và hạnh phúc khi vừa bước vào cuộc sống vợ chồng. Từ những bức ảnh cưới đầy lãng mạn, lễ cưới rực rỡ, cho đến những kỳ vọng vào tương lai và sự gần gũi, thỏa mãn về mặt tình dục, tất cả đều góp phần tạo nên cảm giác mãn nguyện cho cặp đôi mới cưới.
Hạnh phúc khi tình yêu thăng hoa thành hôn nhân có thể che mờ nhiều vấn đề nhỏ, giúp chúng ta dễ dàng bao dung những khuyết điểm của bạn đời và sẵn lòng đặt họ lên hàng đầu.
Nhưng mối quan hệ dù nồng nàn đến đâu cũng dần mất đi sự mãnh liệt. Sau một vài năm, hôn nhân bước sang giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 2: Mài giũa
Giai đoạn này, những vấn đề từng bị che lấp bắt đầu lộ diện. Ta dần chú ý đến những thiếu sót của đối phương, ít nhường nhịn hơn và nhận ra sự mất đi của sự độc lập, cùng nhiều trách nhiệm gắn liền với hôn nhân.
Có chút thất vọng và hối hận vì lựa chọn của mình, nhưng vì tình yêu, chúng ta cố gắng làm quen và điều chỉnh để thích nghi. Việc này không dễ dàng và đôi khi khiến ta cảm thấy bạn đời không còn như xưa – người từng nhẹ nhàng nay trở nên cáu kỉnh, gắt gỏng. Đây là thời điểm mà thất vọng và xung đột có thể nảy sinh.
Giai đoạn 3: Nổi loạn
Hôn nhân bắt đầu đối diện với khủng hoảng. Ta cảm thấy thất vọng về bạn đời vì sự thay đổi và trưởng thành của họ không như mong đợi.
Người vợ có thể nhận thấy chồng quá bận rộn với công việc, ít dành thời gian cho gia đình. Ngược lại, người chồng có thể thấy người vợ trước kia dịu dàng này đã trở nên tất bật, không còn ủng hộ chồng như trước.
Tình dục trở nên gượng ép, mất đi sự nhiệt tình. Những xung đột gay gắt xuất hiện, đôi khi dẫn đến việc tìm kiếm sự an ủi bên ngoài. Sau khi vượt qua đau khổ, chúng ta bắt đầu nhìn nhận hôn nhân thực tế hơn và bước sang giai đoạn mới.
Giai đoạn 4: Hợp tác
Sau 5 – 6 năm chung sống, ta dần hiểu rằng hôn nhân không phải là một cuộc độc diễn hay cuộc chiến quyền lực, mà là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Ta bắt đầu quan tâm đến nhu cầu của nhau, học cách bao dung, tự kiềm chế vì những mục tiêu chung như sự phát triển của con cái. Hôn nhân dần trưởng thành và chín chắn hơn.
Khi con cái lớn lên, vợ chồng có nhiều thời gian hơn để chăm sóc và chia sẻ cùng nhau. Kinh tế gia đình cũng dần ổn định, giúp mối quan hệ bước vào giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 5: Ổn định
Tình yêu từng mãnh liệt giờ đây trở thành tình thân. Cả hai trở nên điềm tĩnh hơn, không còn những kỳ vọng xa vời. Sự hiểu biết sâu sắc về nhau giúp giảm bớt xung đột, đồng thời lòng biết ơn vì sự hy sinh lẫn nhau cũng tăng lên. Hôn nhân bước vào giai đoạn ngọt ngào mới, cả về thể xác và tinh thần.
Dẫu vậy, cuộc sống hôn nhân trung niên không tránh khỏi thử thách.
Giai đoạn 6: Khủng hoảng
Ở tuổi trung niên, áp lực có thể đến từ nhiều phía: bệnh tật, mất mát của cha mẹ, sự bế tắc trong sự nghiệp, hoặc sức khỏe bản thân suy giảm. Những yếu tố này có thể khiến hôn nhân rơi vào khủng hoảng, khi sự thông cảm giảm sút và cảm xúc lo lắng lan tỏa.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để hôn nhân trưởng thành hơn. Nếu vượt qua được giai đoạn khó khăn, cặp đôi sẽ nhận ra cuộc sống của họ đã hòa làm một và tiếp tục bước vào giai đoạn cuối cùng.
Giai đoạn 7: Viên mãn
Sau khi cùng nhau vượt qua bao sóng gió, vợ chồng trở thành người bạn đời thân thiết nhất. Họ là những người đồng hành và hỗ trợ nhau qua mọi thử thách. Cả hai chứng kiến toàn bộ cuộc đời của nhau và cùng bước đến những ngày cuối đời mà không còn nuối tiếc.
Qua 7 giai đoạn này, ta hiểu rằng hôn nhân không chỉ là đam mê, mà còn là hành trình trưởng thành từ những khó khăn. “Kỳ vọng hợp lý là chìa khóa cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc”, tiến sĩ Quan Mỹ Lâm chia sẻ.